Công ty Hoàng Sơn

Dự án thu hút đầu tư

Thống kê truy cập

  • Hôm nay75
  • Hôm qua638
  • Tuần này3818
  • Tuần trước4189
  • Tháng này575449
  • Tất cả7501810

Danh Ngôn

Khi bạn muốn bỏ cuộc, hãy nhớ lại lý do khiến bạn bắt đầu.

Tác giả: Khuyết danh

Xem thêm »

Trích toàn văn ý kiến thảo luận của đại biểu Nguyễn Cao Sơn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa VIII.

02/11/2015 09:24 - Người đăng: Nguyễn Thanh

Sáng ngày 2/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Dưới đây là toàn văn ý kiến thảo luận của Đại biểu Nguyễn Cao Sơn trước Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình).

      Kính thưa Chủ tọa kỳ họp!

      Kính thưa Quốc hội!

  Năm 2015, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá dầu thô giảm sâu, đồng Nhân dân tệ đột ngột giảm giá, một số nền kinh tế lớn suy giảm tăng trưởng, đặc biệt là tình hình căng thẳng ở biển Đông đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

  Tuy nhiên với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nền kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn và có bước phục hồi rõ nét. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; tăng trưởng GDP ước đạt 6,5%, cao hơn kế hoạch đề ra. Tín dụng tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước; thị trường ngoại hối, mặt bằng lãi suất tương đối ổn định; tỉ giá được điều chỉnh linh hoạt; nợ xấu giảm còn 2,9%. Cải cách thủ tục hành chính, trong lĩnh vực thuế, hải quan có bước tiến mới. Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt những kết quả tích cực. Niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút vốn đầu tư nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá.

  Đặc biệt trong bối cảnh nguồn ngân sách khó khăn, Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương đã thực hiện các giải pháp hiệu quả huy động và quản lý tốt nguồn vốn đầu tư, tạo sự đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng. Lần đầu tiên Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên được thực hiện vượt tiến độ, tiết kiệm và dư vốn đầu tư đã được phê duyệt. Kết cấu hạ tầng, nhất là lĩnh vực giao thông tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ và hiện đại, chỉ số về hạ tầng giao thông tăng 9 bậc so với năm 2014.

Cùng với đó, việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ được quan tâm; an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí.

Bên cạnh kết quả đạt được, KT-XH nước ta còn tiềm ẩn những hạn chế yếu kém đó là: Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, tăng trưởng phục hồi song thiếu bền vững. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chậm. Khu vực nông nghiệp, thủy sản gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu. Các chính sách về cải thiện môi trường đầu tư còn chậm triển khai. Tiến độ và chất lượng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu đề ra. Cải cách thủ tục thành chính trên nhiều lĩnh vực còn chậm. Các đoàn thanh, kiểm tra còn chồng chéo gây áp lực cho các doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thấp. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước chưa đủ mạnh, đặc biệt chính sách đối với doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Điều này thể hiện, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn lớn, đến tháng 10 năm 2015 đã vượt 60.000 doanh nghiệp, tăng 29,1% so với cùng kỳ, như vậy mỗi ngày có khoảng 200 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động.

  Thực tế đó, đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh đang diễn ra ngày càng sâu rộng.

      Kính thưa Quốc hội!

  Việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương(TPP) là cơ hội cho Việt Nam tham gia sân chơi chung với các nền kinh tế lớn trên Thế giới. Song cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

  Để kinh tế phát triển và hội nhập thành công, tôi xin kiến nghị một số nội dung sau:

  Một là: Để giúp các doanh nghiệp vững vàng, chủ động hội nhập sâu rộng, tham gia vào thực hiện Hiệp định TPP, tôi đề nghị Chính phủ tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận đầy đủ thông tin về hiệp định, chuẩn bị các điều kiện và có cơ chế, chính sách phù hợp giúp cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia hội nhập có thể phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng và hiện đại hóa quy trình sản xuất, xây dựng, phát triển và bảo vệ  thương hiệu hàng Việt Nam, tạo thế vững chắc trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.

  Hai là: Đẩy mạnh rà soát hệ thống chính sách, pháp luật đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cần xem xét điều chỉnh, loại bỏ các quy định không còn phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập. Nhiều hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố đề nghị Bộ Xây dựng xem xét điều chỉnh Thông tư 01 ban hành ngày 20/03/2015 và có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn. Thực tế Thông tư 01 không xem xét đến phụ cấp khu vực là không phù hợp, dẫn đến thu nhập của người lao động không đáp ứng yêu cầu chi trả một số khoản phí thuộc trách nhiệm của người lao động phải trả theo quy định như: (BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và một số khoản phải trả khác) làm giảm thu nhập của người lao động, khó khăn cho việc tuyển dụng lao động của doanh nghiệp nhất là ở các khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

  Ba là: Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh nhằm phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Trước mắt cần tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt có cơ chế ưu đãi về lãi suất đối với các dự án đầu tư ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn. Nghiên cứu giảm lãi suất tín dụng trung và dài hạn xuống dưới 7%/năm. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý nợ xấu để khơi thông dòng vốn.

  Bốn là: Tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm quốc gia; các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; các địa phương, các tỉnh còn nhiều khó khăn có tỉ lệ hộ nghèo cao. Ưu tiên, bố trí các nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, các dự án đã hoàn thành do giãn, hoãn tiến độ theo Nghị quyết 11, do thay đổi đơn giá để trả nợ doanh nghiệp và kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, đưa các công trình dở dang vào hoàn thành và phát huy hiệu quả đầu tư, tạo niềm tin trong nhân dân. Thực trạng hiện nay nhiều công trình, dự án nhất là trong lĩnh vực thủy lợi ở địa phương công trình đã xây dựng xong hạng mục đập chính nhưng còn thiếu hạng mục kênh dẫn nước .v.v...

  Năm là, Cử tri tỉnh Hòa Bình, gửi tới Quốc hội, Chính phủ kiến nghị: Công trình trọng điểm quốc gia Nhà máy thủy điện Hòa Bình được xây dựng sau gần 40 năm nhưng đời sống của bà con vùng di dân vẫn gặp nhiều khó khăn. Ngày 19/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến mới chỉ bố trí được 50% số vốn, vì vậy nhân dân vùng hồ mong muốn Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, bố trí đủ vốn cho giai đoạn 2016 – 2020 để đồng bào sớm được ổn định cuộc sống .

       Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội./.

linkhay Facebook

Tin bài liên quan

    Hình ảnh hoạt động

    Trung tâm vật liệu xây dựng

    Liên kết website

    CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG XÂY DỰNG THƯƠNG MẠI HOÀNG SƠN © 2009 - 2022
    Số giấy phép: 70/GP-STTTT, cấp ngày: (14/9/2022) - Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Duy Thanh
    Trụ sở chính: Tổ 1, phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình, Việt Nam. Tel: 0218.2.211.951 - Fax: 0218.3.883.599
    Văn phòng đại diện: Số 23, Ngõ 46, Quan Nhân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 043.555.3967 - Fax: 043.555.3967
    Email: XayDungHoangSon@gmail.com - Website: www.HoangSonVietNam.vn