Công ty Hoàng Sơn

Dự án thu hút đầu tư

Thống kê truy cập

  • Hôm nay577
  • Hôm qua487
  • Tuần này2254
  • Tuần trước4189
  • Tháng này573885
  • Tất cả7500246

Danh Ngôn

Khi bạn muốn bỏ cuộc, hãy nhớ lại lý do khiến bạn bắt đầu.

Tác giả: Khuyết danh

Xem thêm »

Phú Yên: Chính thức thông hầm Cổ Mã

22/11/2014 08:41 - Người đăng: Nguyễn Thanh

Hôm nay, ngày 22/11/2014, hầm Cổ Mã, một trong những hạng mục quan trọng của Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả, chính thức thông hầm, đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho tiến độ chung của toàn Dự án.

Chạy đua với thời gian

Khoát cánh tay mạnh mẽ, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, chủ đầu tư Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả, vừa chỉ ra đại công trường ngổn ngang đất đá, rầm rập người - xe và máy móc, thiết bị, vừa bảo: “Chúng tôi đang chạy đua với thời gian để Dự án hoàn thành đúng tiến độ. Công nhân thi công ngày 3 ca, 24 giờ trên 7 ngày”, ông Hoàng mỉm cười, hài lòng với việc ngày mai, hầm Cổ Mã, một trong những hạng mục quan trọng của Dự án tổ chức lễ thông hầm.

   
  Niềm vui khôn tả khi những người thợ ở hai đầu hầm Cổ Mã gặp nhau, tay bắt mặt mừng  

Là tổ chức nghi lễ chính thức thôi, còn thực tế, hầm Cổ Mã đã thông ống hầm thứ nhất vào chiều ngày 16/10/2014.

Không từ ngữ nào có thể kể hết được niềm vui của những người thợ cầu đường vào thời khắc lịch sử đó, khi trong hun hút hầm sâu, những kíp nổ được gắn cẩn thận trên vách đá cuối cùng ngăn cách hai đầu của ống hầm Cổ Mã, chỉ chờ lệnh là phát nổ. Đúng 15 giờ, sau tiếng nổ rền vang, vách đá sụp xuống, những người thợ của Công ty Sông Đà 10, nhà thầu chính của hạng mục hầm Cổ Mã, ở hai đầu Nam (Khánh Hòa) - Bắc (Phú Yên) gặp nhau, tay bắt mặt mừng, vỡ òa trong niềm vui khôn tả. Những ly rượu đã được nâng để mừng thời khắc quan trọng đó. Niềm vui nhân đôi khi hôm 2/11, ống hầm thứ hai cũng đã thông.

Là một trong những hạng mục quan trọng của Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả, hầm Cổ Mã có chiều dài 500 mét. 500 mét hầm là hơn 150 ngày đêm những người thợ “khoét núi, ngủ hầm”, chưa kể Phú Yên những ngày này đã vào mùa mưa nên mưa dầm dề không dứt, khiến việc thi công khó khăn hơn.

Núi được phá, hầm được đào từng mét, từng mét, đào đến đâu phun bê tông lên nóc hầm đến đó, đặt lưới sắt, dựng vòm, rồi lại phun bê tông, tạo thành các vì thép rắn như đá, cứng như đồng, bền vững với thời gian. “Công nghệ làm hầm này đã có lịch sử hơn một trăm năm nay, thuộc diện rẻ nhất và cũng nguy hiểm nhất”, ông Lê Quỳnh Mai, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đèo Cả nói như vậy khi thấy chúng tôi trầm trồ thán phục trước những vì thép sừng sững trong hầm, xám ngắt nhưng lại đẹp tuyệt vời trong con mắt của những người thợ.

Không chỉ hầm Cổ Mã, mà hầm Đèo Cả, dài 3,9 km, cũng như tất cả các hầm đường bộ khác, cũng đang được thi công bằng công nghệ như vậy.

Lái chiếc xe gầm cao trên con đường ngoằn ngoèo, với  ổ gà, ổ voi, có lúc lại dựng đứng bên vách núi, ông Mai đưa chúng tôi lên công trường thi công hầm Đèo Cả bên phía Bắc và bảo, con đường này được làm ra chỉ để phục vụ cho việc thi công công trình. Gần 100 tỷ đồng được đổ vào con đường dài gần 4 km, vắt qua đèo qua núi, nhưng đó là sự đầu tư xứng đáng, bởi có con đường công vụ đó, việc vận chuyển nguyên vật liệu, cũng như sự di chuyển của người - xe, thiết bị vào công trường dễ dàng hơn hẳn.

Rầm rập xe chạy, máy khoan, máy đào trên quả núi rộng cả ngàn mét vuông, giờ đang được san phẳng. Người người hối hả, chỗ bạt núi, nơi khoan đá, đục hầm, ở cả trong hai ống hầm lẫn trên khu vực đường dẫn. Đó là hình ảnh thường thấy lúc này trên đại công trường thi công hầm đường bộ qua Đèo Cả.

Đưa tay quệt vệt mồ hôi chảy dài trên má, ông Nguyễn Công Hoan, chỉ huy thi công trên công trường xây dựng hầm Đèo Cả bảo, lúc hay tin hầm Cổ Mã đã thông, ông vui chẳng khác nào hôm vì thép đầu tiên ở hầm Đèo Cả hoàn thành. “Hồi hộp và sung sướng lắm. Những người thợ ai cũng tự hào vì được tham gia thi công ở một công trình lớn như thế này”, ông Hoan hồ hởi.

61 tuổi, 17 năm kinh nghiệm, đã từng kinh qua việc thi công hàng hoạt công trình lớn như Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, Thủy điện Đại Ninh, thậm chí cả đường dẫn hầm đèo Hải Vân, nhưng chưa bao giờ ông Hoan được tham gia thi công một công trình lớn như dự án này. “Mỗi ngày chúng tôi tiến thêm được 1 mét hầm và đang phấn đấu rút ngắn thời gian hoàn thành một mét hầm xuống còn 20 tiếng. Ở cả hai đầu phía Bắc và phía Nam, tức là ở cả 4 cửa hầm, hàng trăm công nhân đều đang làm ngày làm đêm như vậy”, ông Hoan kể.

Nhà ở Lâm Đồng, cũng không phải quá cách xa công trình, nhưng để đảm bảo tiến độ Dự án, 2-3 tháng ông Hoan mới về thăm nhà một lần. Cũng như vậy, ông Mai và các kỹ sư khác đến 3-4 tháng mới về thăm nhà một lần và hôm nào cũng lên với công trường.

“Để đảm bảo tiến độ Dự án, chúng tôi thực hiện việc giao ban hàng ngày trực tiếp trên công trường”, ông Mai kể. Còn ông Hoàng cũng đã phải “di cư” về trong khu vực nhà công vụ của Công ty, ngay sát chân công trình, để sâu sát tiến độ Dự án và kịp thời xử lý vướng mắc.

Khát vọng kỳ vĩ

Những ai đã từng đi dọc Quốc lộ I từ Phú Yên sang Khánh Hòa đều biết, dù Đèo Cả uốn lượn quanh co, trùng điệp núi non và là một trong những con đèo đẹp nhất nước nằm sát biển, như chứng tích của thiên nhiên kỳ vĩ, song những khúc cua tay áo khiến việc đi lại trên con đèo này, dù bằng ô tô hay các phương tiện khác đều rất khó khăn. Thậm chí, nguy hiểm trực chờ. Đã có nhiều máu và nước mắt rơi trên con đèo nguy hiểm này.

Khi hầm đường bộ qua đèo Hải Vân hoàn thành cũng là lúc người dân Phú Yên, trong đó có Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự trăn trở, mong muốn Phú Yên cũng có hầm đường bộ kỳ vĩ như vậy.

Thực hiện khát vọng đó, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã được thành lập để triển khai dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 15.603 tỷ đồng này. Trong tổng số vốn đó, chỉ riêng kinh phí xây dựng hầm Đèo Cả là 10.555 tỷ đồng, số còn lại dành cho xây dựng hầm Cổ Mã, đường dẫn và cầu trên tuyến (4.509 tỷ đồng). Ngoài ra, ngân sách nhà nước cũng sẽ chi hơn 539 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Cũng đã có lúc, dư luận xôn xao, chẳng tin Công ty Đèo Cả có thể xây dựng được một dự án lớn như thế. Nhưng bây giờ, tất cả những gì đang diễn ra trên thực địa đều cho thấy, khát vọng và quyết tâm của người Việt, cộng thêm tâm và trí của các chuyên gia tư vấn nước ngoài như liên danh Nippon Koei, liên danh tư vấn Apave-Dohwa-Tedi South… sẽ làm nên một hầm đường bộ  qua Đèo Cả kỳ vĩ. Việc hầm Cổ Mã đã thông là bằng chứng thuyết phục nhất.

Không có quy mô lớn như Dự án Hầm đường bộ Hải Vân, nhưng xét về đường hầm, hầm Đèo Cả còn dài hơn cả hầm Hải Vân. Và ở Việt Nam, ngoài hầm Thủ Thiêm có hai đường ống, thì đến giờ, chỉ có hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã làm được như vậy, để đảm bảo việc giao thông thuận tiện hơn. Cứ mỗi 500 mét, lại đục đường thông hai ống hầm để tạo chỗ thoát hiểm. Cả một công trình kỳ vĩ ấy đang được những người thợ miệt mài ngày đêm để hoàn thành, dự kiến vào đầu năm 2017.

“Khi hầm đường bộ qua Đèo Cả hoàn thành, sẽ rút ngắn được quãng đường đi từ bên Phú Yên sang Khánh Hòa khoảng 20 km. Nhưng điều quan trọng là, có thể tiết kiệm được thời gian rất nhiều. Nếu đi đúng vận tốc cho phép là 80 km/h, người dân sẽ chỉ mất khoảng 13 phút đi từ bên này sang bên kia đèo, trong khi hiện tại, phải mất 30 - 45 phút”, ông Mai tính toán.

Thời gian chính là tiền bạc. Nhưng hơn cả tiết kiệm thời gian và tiền bạc, những hiểm nguy rình rập sẽ không còn tồn tại, một khi lưu thông trên hầm đường bộ Đèo Cả thông suốt. Và quan trọng hơn, khi Dự án hoàn thành, cùng với các dự án quy mô lớn khác ở Phú Yên, như Lọc dầu Vũng Rô, cảng Bãi Gốc… được triển khai, cả một vùng đất Phú Yên sẽ được đánh thức.

Lâu nay, đến Phú Yên, vẫn ngại nhất chuyện đi lại khó khăn. Nhưng với sân bay đã có, lại thêm đường bộ khai thông, sự kết nối của Phú Yên với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các tỉnh, thành khác sẽ trở nên dễ dàng hơn, qua đó thúc đẩy giao thương hàng hóa, hợp tác đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.

Thảo nào, trao đổi với Báo Đầu tư, ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên luôn nhắc đi nhắc lại một điều rằng, tỉnh đánh giá cao tầm quan trọng của Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả và rằng, tất cả các sở, ngành chức năng phải tạo điều kiện thuận lợi để Dự án triển khai đúng tiến độ.

“Khi dự án này hoàn thành, kinh tế - xã hội Phú Yên sẽ có cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Lộc tin tưởng.

Khúc vĩ thanh

Chúng tôi tới công trường hầm đường bộ Đèo Cả vào ngày những người thợ đang quyết liệt thi công nhất và trở lại vào ngày Dự án chuẩn bị đón sự kiện trọng đại. Lãnh đạo Công ty vui đã đành, những người thợ cũng vui không kém.

Hoàng Trường Giang, 24 tuổi, quê Thanh Hóa, bắt đầu làm việc tại công trường thi công hầm đường bộ Đèo Cả từ tháng 7/2014 với vị trí là nhân viên trắc địa. Hỏi chuyện tham gia Dự án, cậu cười, hàm răng trắng lấp lóa và bảo với chúng tôi rằng, mức lương 8 triệu đồng/tháng mà cậu đang nhận cũng đủ để đáp ứng nhu cầu cuộc sống và dành dụm đôi chút lo cho tương lai. Những người thợ khác, lương có khi 9 - 10 triệu đồng/tháng.

“Ai cũng phấn khởi vì được tham gia công trình này. Thu nhập tốt và hơn nữa, chúng tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm thi công. Nếu có bất cứ khó khăn gì, chúng tôi đều nhận được sự hỗ trợ tận tình từ các chuyên gia nước ngoài”, Giang lại cười, nụ cười chân thành y như những người dân quanh vùng đã vì Dự án mà sẵn sàng để lại nhà cửa, ruộng vườn của ông cha để chuyển sang khu tái định cư, được xây dựng khang trang ngay gần đó.

Dù vẫn còn lo chuyện nước nôi, chuyện sinh kế trong thời gian ban đầu chuyển sang khu tái định cư, song ông Nguyễn Bá Châm, 61 tuổi, người vừa cất xong căn nhà khang trang rộng hơn 50 m2 ở khu tái định cư, bảo, vì dự án của Nhà nước, ông và những người dân quanh vùng sẵn sàng “chịu thiệt thòi một tý”.

Tất cả đang vì một dự án quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng của Phú Yên - Khánh Hòa và của cả quốc gia. Cũng vì Dự án, vì đất nước, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã nỗ lực thực hiện mọi biện pháp để đẩy nhanh tiến độ, minh bạch trong quản lý tài chính và tiết kiệm vốn đầu tư. Nhờ thế, Dự án có thể sẽ chỉ cần khoảng 12.000 tỷ đồng để hoàn thành, tiết kiệm được gần 4.000 tỷ đồng so với dự toán ban đầu.

Phần vốn tiết kiệm được, ông Hoàng bảo, Công ty mong muốn làm tiếp hầm đường bộ qua đèo Cù Mông. Giấc mơ nối tiếp giấc mơ. Thành công sẽ nối tiếp thành công. Cho Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả. Cho người dân Phú Yên và người dân quanh vùng. Và cho sự phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai của vùng đất nghèo Phú Yên.

 

theo: Báo đầu tư

linkhay Facebook

Tin bài liên quan

Hình ảnh hoạt động

Trung tâm vật liệu xây dựng

Liên kết website

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG XÂY DỰNG THƯƠNG MẠI HOÀNG SƠN © 2009 - 2022
Số giấy phép: 70/GP-STTTT, cấp ngày: (14/9/2022) - Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Duy Thanh
Trụ sở chính: Tổ 1, phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình, Việt Nam. Tel: 0218.2.211.951 - Fax: 0218.3.883.599
Văn phòng đại diện: Số 23, Ngõ 46, Quan Nhân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 043.555.3967 - Fax: 043.555.3967
Email: XayDungHoangSon@gmail.com - Website: www.HoangSonVietNam.vn