Ngày làm việc thứ 24, kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIII: Nỗ lực thực hiện các lời hứa với nhân dân, với Quốc hội

18/11/2014 11:05 - Người đăng: Nguyễn Thanh

Hôm qua, ngày 17-11, kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIII bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ. Buổi sáng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của QH, kết luận của Ủy ban Thường vụ QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp QH, phiên họp Ủy ban Thường vụ QH. Sau đó, QH bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ.

  Thực hiện Nghị quyết của QH với kết quả tích cực

   Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày, cho biết: Thực hiện các Nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc chấp hành, khẩn trương cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện gắn với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đến nay đã đạt được những kết quả tích cực. Chính phủ luôn quan tâm bố trí ngân sách nhà nước và thực hiện nhiều giải pháp tăng cường huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng yếu về giao thông, thủy lợi, đê sông, đê biển, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghiệp chế biến, thu hút nhiều lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn.

   Về cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã đơn giản hóa gần 4.100 trong số 4.700 thủ tục hành chính; cập nhật hơn 112 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính và gần 11 nghìn hồ sơ văn bản liên quan vào Cơ sở dữ liệu quốc gia. Triển khai thực hiện Đề án liên thông các thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới sáu tuổi. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong 10 tháng, đã tái cơ cấu được 119 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 100 doanh nghiệp. Đã thoái vốn được hơn 3,5 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 3,6 lần so với năm 2013. Tăng cường công khai minh bạch tình hình tài chính và kết quả hoạt động.

   Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch và thành lập các đoàn thanh tra, tổ công tác để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Đến nay đã giải quyết 500 vụ trong số 528 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đạt tỷ lệ 94,7%. Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch tiếp tục giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp khác; các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát 532 vụ việc, trong đó có 241 vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý.

   Báo cáo nêu rõ: Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện, có những việc đã đạt kết quả bước đầu và cũng có nhiều việc còn chưa đạt yêu cầu. Việc thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, tiêu thụ nông sản còn khó khăn. Quản lý giá cả và chất lượng vật tư nông nghiệp còn bất cập. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Cải cách hành chính chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa cao. Công tác quản lý thông tin truyền thông có mặt còn hạn chế, chưa bảo đảm tốt an ninh, an toàn mạng. Bội chi ngân sách còn cao; nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn; cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh. Chất lượng giáo dục đại học và dạy nghề còn nhiều hạn chế; giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp và thanh niên nông thôn còn khó khăn. Công tác xây dựng thể chế còn chậm, một số quy định chưa phù hợp, thiếu tính khả thi. Tình trạng khiếu nại tố cáo còn phức tạp. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.

  Tiếp tục quan tâm sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân

   Các đại biểu QH đã phát biểu nhiều ý kiến, đề xuất khác nhau đối với những kết quả của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của QH, kết luận của Ủy ban Thường vụ QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp QH, phiên họp Ủy ban Thường vụ QH.Trong đó, vấn đề thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và bảo đảm đời sống nông dân được nhiều đại biểu QH quan tâm phát biểu ý kiến.

   Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) và một số đại biểu khác cho rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các giải pháp của Chính phủ triển khai chưa đồng bộ. Đây là vấn đề quan trọng và trách nhiệm không phải của riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mà còn cần sự chia sẻ, tham gia của các bộ, ngành khác. Chúng ta vẫn đang phải đối đầu với tình trạng được mùa mất giá và mất mùa thì được giá trong khi chưa có những giải pháp thật sự hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là phương thức sản xuất nông nghiệp còn yếu kém, các chính sách thiếu đồng bộ, không hiệu quả. Vì vậy, cần quan tâm đổi mới phương thức tổ chức, sản xuất; đưa khoa học, công nghệ vào thực tế sản xuất; triển khai các gói tín dụng và giảm giá thành sản phẩm. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do các chính sách, cơ chế chưa hấp dẫn. Đáng chú ý, tình trạng sản xuất, buôn bán phân bón giả, thuốc trừ sâu giả vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, đời sống của nông dân. Đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt khắc phục những hạn chế nêu trên.

   Quan tâm đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở các khu vực tái định cư phục vụ các dự án thủy điện, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) và một số đại biểu khác cho rằng, từ kỳ họp thứ tư của QH khóa XIII đến nay, các đại biểu QH đã nhiều lần đề cập, kiến nghị và QH đã có Nghị quyết về việc Chính phủ nghiên cứu và ban hành những chính sách đặc thù để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay những chính sách này vẫn chưa được ban hành. Bà con dân tộc thiểu số đang rất chờ mong những chính sách đặc thù, qua đó có thêm những điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

   Về việc trồng rừng và bảo vệ rừng, một số đại biểu cho rằng, Báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá được chính xác chất lượng của việc trồng rừng. Hiện tượng chồng lấn diện tích trồng rừng giữa các nông, lâm trường và các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số còn diễn ra phức tạp; trong khi việc đo đạc, xác định ranh giới chưa được các cơ quan chức năng triển khai kịp thời. Bên cạnh đó, người dân khi tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng nhưng chưa sống được bằng rừng. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách phù hợp, hiệu quả vừa bảo đảm chất lượng trồng, bảo vệ rừng, vừa nâng cao đời sống người dân.

   Một số đại biểu QH nhất trí với Báo cáo của Chính phủ khi nhận định: Cải cách hành chính chưa theo kịp yêu cầu phát triển; phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra; kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa cao... Thực trạng này đã và đang gây lãng phí cho đất nước, gây mất niềm tin của nhân dân. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) và một số đại biểu khác cho rằng: Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu do bộ máy hành chính và biên chế ngày càng "phình ra". Việc tinh giản biên chế được đề ra nhưng triển khai thiếu cương quyết, còn hình thức; trong đó, việc một số cơ quan, đơn vị, bộ, ngành có quá nhiều cấp phó đang là một thực trạng cần được nhìn nhận nghiêm túc.

   Trong phiên làm việc sáng qua, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã báo cáo và làm rõ thêm một số vấn đề về bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước, đồng thời hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo, làm rõ thêm những vấn đề liên quan việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, trong đó, nêu rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại về đất đai và những giải pháp mà ngành thanh tra sẽ thực hiện nhằm giải quyết có hiệu quả cao việc khiếu nại, tố cáo của người dân.

  Giải quyết kịp thời những kiến nghị của cử tri

   Đầu giờ làm việc buổi chiều, QH đã nghe Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ bảy, QH khóa XIII.

   Theo báo cáo, tại kỳ họp thứ bảy, QH khóa XIII, cử tri cả nước đã gửi đến QH 2.216 kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, QP-AN, đối ngoại của đất nước. Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo tổng hợp, phân loại và sau khi rà soát đã chuyển 1.795 kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời cử tri và báo cáo trình QH.Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành, các cơ quan của QH, TAND tối cao, Viện KSND tối cao với trách nhiệm của mình, ngay sau khi nhận được kiến nghị của cử tri đã kịp thời chỉ đạo, khẩn trương tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời cơ bản đầy đủ, rõ ràng về những vấn đề cử tri kiến nghị; trực tiếp ký văn bản trả lời, bảo đảm thời gian theo quy định của pháp luật; chất lượng văn bản giải quyết, trả lời được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường; đã đề ra các giải pháp giải quyết những vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực tiễn mà cử tri kiến nghị như vệ sinh an toàn thực phẩm, buôn lậu qua biên giới, giá sữa, giá thuốc chữa bệnh, giá xăng dầu,...

   Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri, Ban Dân nguyện đề nghị QH, Chính phủ, các cơ quan hữu quan tiếp tục quan tâm nghiên cứu tiếp thu kiến nghị của cử tri trong quá trình xây dựng thể chế để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Xem xét sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của QH theo hướng quy định cụ thể về thẩm quyền giám sát và phối hợp giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền giải quyết và chế tài về việc không giải quyết hoặc để chậm việc giải quyết kiến nghị của cử tri..., nhằm tạo thêm cơ sở pháp lý cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát về lĩnh vực này.

  Tìm hướng phát triển công nghiệp phụ trợ

   Chất vấn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, các đại biểu: Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) và một số đại biểu đề cập những vấn đề đặt ra để phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Đây được coi là một lĩnh vực phát triển kinh tế quan trọng, tạo bước đột phá trong tiến trình CNH, HĐH đất nước. Mặc dù Chính phủ, Bộ Công thương đề ra nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, khuyến khích phát triển CNHT, nhưng còn bộc lộ nhiều khó khăn, yếu kém, hiệu quả hoạt động chưa cao, sức cạnh tranh thấp... Các đại biểu QH đề nghị Bộ trưởng đánh giá, phân tích rõ những nguyên nhân của tình trạng đó, trách nhiệm của Bộ Công thương như thế nào và giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới?

   Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Lĩnh vực CNHT nhiều năm qua đã được lập quy hoạch phát triển theo các giai đoạn, tầm nhìn đến 2020. Đây là vấn đề được đại biểu QH rất quan tâm qua nhiều kỳ họp trước. Chúng ta đã ban hành một số chính sách với sáu nhóm hàng hóa, liên quan lĩnh vực chế tạo, lắp ráp ô-tô; ngành điện tử; dệt may; da giày và mặt hàng nhựa. Tuy nhiên, một trong những hạn chế là cấp độ pháp lý của những chính sách ban hành vừa qua còn thấp, chưa đạt yêu cầu, thực tế chưa tạo thuận lợi để CNHT phát triển.

   Ghi nhận những ý kiến và kiến nghị giải pháp của đại biểu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng kiến nghị QH tại kỳ họp này xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Thuế, theo hướng ưu đãi thuế doanh nghiệp lĩnh vực CNHT, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực này. Tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước, theo đó, cần xem xét xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ giúp doanh nghiệp phát triển CNHT thời gian đầu phát triển sản xuất hoặc mở rộng sản xuất. Xem xét thành lập một số trung tâm hỗ trợ hoạt động phi lợi nhuận, giúp doanh nghiệp về lĩnh vực thiết kế tạo khuôn mẫu, tiếp cận thị trường, dữ liệu thông tin, công tác đào tạo cán bộ, đào tạo công nhân kỹ thuật... Bộ trưởng Công thương cho rằng, với các dự án ODA, Chính phủ có thể dành tỷ lệ nhất định thúc đẩy CNHT.Mặt khác, kiến nghị QH lần này ban hành Nghị quyết có nội dung đề cập CNHT, làm cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương triển khai đạt hiệu quả trong thời gian tới.

   Các đại biểu QH cũng quan tâm và chất vấn Bộ trưởng Công thương về quản lý hiệu quả các công trình, dự án thủy điện; ngăn chặn, xử lý tình trạng hàng nhái, hàng giả, quản lý thị trường; phát triển cơ khí và công nghiệp cơ khí; việc phối hợp các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách liên quan các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe và đời sống nhân dân; việc bình ổn giá, thúc đẩy kênh liên kết phân phối giúp nông dân tiêu thụ nông sản.

   Tại kỳ họp này, QH đã nhận được 3.729 ý kiến kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước. Số lượng ý kiến kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp cao gấp hơn 1,5 lần so với kỳ họp thứ bảy. Theo báo cáo của Ban Thư ký kỳ họp thứ tám, tính đến hết chiều 16-11, đã có 165 chất vấn của 60 đại biểu QH gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành. Qua đó, cử tri ngày càng quan tâm tới hoạt động của QH, Chính phủ và các bộ, ngành. Tính từ đầu nhiệm kỳ tới nay, QH đã tổ chức sáu phiên chất vấn, đã có 31 lượt các trưởng ngành trả lời chất vấn trước QH gồm: Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, 22 trưởng ngành và nhiều thành viên Chính phủ khác.

      Chủ tịch QH NGUYỄN SINH HÙNG

   Về đấu tranh chống tham nhũng, mặc dù Đảng, nhân dân có quyết tâm chính trị rất lớn nhưng hiệu quả chưa đáp ứng được yêu cầu, phải tiếp tục nhiều hơn nữa. Trong đó, chúng ta phải xây dựng lòng tin cho nhân dân cùng việc xử lý nghiêm, trừng phạt nghiêm những cá nhân sai phạm, vi phạm.

      Đại biểu NGUYỄN BÁ THUYỀN (Lâm Đồng)

   Tôi cho rằng ở địa phương nào buôn lậu nghiêm trọng thì Giám đốc Công an nơi ấy phải chịu trách nhiệm. Tại sao ở biên giới, cứ Bộ Công an lên thì bắt được một số vụ nghiêm trọng, Bộ Công an đi thì tái diễn như cũ. Trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương như thế nào? Nếu thực trạng buôn lậu như thế này, trong khi quy định trách nhiệm không rõ ràng, xử lý không cương quyết, sẽ không giải quyết được tình trạng buôn lậu.

      Đại biểu LÊ NAM (Thanh Hóa)

   Một trong những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm và Bộ Công thương chịu trách nhiệm rất lớn là phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và những hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Tuy Bộ trưởng Công thương đã đưa ra một số giải pháp, song cần quyết liệt, cụ thể hơn nữa. Trong đó, phải chỉ ra được những địa phương nào chưa làm tốt công tác phòng, chống buôn lậu để có giải pháp khắc phục, nhắc nhở, thậm chí kỷ luật theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

      Đại biểu NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG (Quảng Bình)

linkhay Facebook

Tin bài liên quan

Hình ảnh hoạt động

Trung tâm vật liệu xây dựng

Liên kết website

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG XÂY DỰNG THƯƠNG MẠI HOÀNG SƠN © 2009 - 2022
Số giấy phép: 70/GP-STTTT, cấp ngày: (14/9/2022) - Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Duy Thanh
Trụ sở chính: Tổ 1, phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình, Việt Nam. Tel: 0218.2.211.951 - Fax: 0218.3.883.599
Văn phòng đại diện: Số 23, Ngõ 46, Quan Nhân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 043.555.3967 - Fax: 043.555.3967
Email: XayDungHoangSon@gmail.com - Website: www.HoangSonVietNam.vn