Công ty Hoàng Sơn

Dự án thu hút đầu tư

Thống kê truy cập

  • Hôm nay266
  • Hôm qua572
  • Tuần này1456
  • Tuần trước4189
  • Tháng này573087
  • Tất cả7499448

Danh Ngôn

Khi bạn muốn bỏ cuộc, hãy nhớ lại lý do khiến bạn bắt đầu.

Tác giả: Khuyết danh

Xem thêm »

Toàn văn bài phát biểu của Đại biểu Nguyễn Cao Sơn tỉnh Hòa Bình tại kỳ họp thứ 8 quốc hội khóa XIII về đóng góp ý kiến vào dự thảo luật hàng không dân dụng Việt Nam.

29/10/2014 11:30 - Người đăng: Nguyễn Thanh

.

          Kính thưa chủ tọa kỳ họp!

          Kính thưa Quốc hội!

   Sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam và các văn bản liên quan tôi hoàn toàn đồng tình và thống nhất cao với việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung những quy định bất cập cho phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp,  người dân tham gia vào loại hình dịch vụ này, đồng thời cũng phù hợp với quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tôi xin tham gia vào một số nội dung cụ thể sau:

(Đại biểu Nguyễn Cao Sơn phát biểu tại kỳ họp thứ 8 quốc hội khóa XIII.)

     Thứ nhất: Về quy định Nhà chức trách hàng không (Khoản 2a, Điều 9):

   Tôi tán thành với việc quy định “Nhà chức trách hàng không” trong Luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với điều ước quốc tế về hàng không dân dụng mà nước ta là thành viên.

   Tuy nhiên, theo tôi Dự thảo Luật cần quy định Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là “Nhà chức trách hàng không”, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng theo quy định của pháp luật, vì: “Nhà chức trách hàng không” có trách nhiệm trực tiếp thực hiện các quy định của Công ước quốc tế về hoạt động hàng không dân dụng của quốc gia; giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, kiểm tra, giám sát trực tiếp toàn bộ hoạt động hàng không của tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Công việc này diễn ra thường xuyên, mang tính chuyên môn cao. Hơn nữa, “Nhà chức trách hàng không” phải chịu sự thanh tra, giám sát của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và đánh giá của “Nhà chức trách hàng không” dân dụng các nước về năng lực bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Do đó, quy định Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng là “Nhà chức trách hàng không” là hoàn toàn hợp lý.

   Nhiệm vụ, quyền hạn của “Nhà chức trách hàng không” chủ yếu chỉ nên quy định nhiệm vụ, quyền hạn mang tính đặc thù của “Nhà chức trách hàng không” trong Luật, còn lại các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể khác mang tính chất là cơ quan thực thi nhiệm vụ đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

     Thứ hai: Về thanh tra hàng không (Điều 10):

   Tôi tán thành việc quy định tổ chức thanh tra hàng không trong Luật, bởi vì: như đã nêu ở trên, lĩnh vực hàng không dân dụng là một lĩnh vực đặc thù, vừa chịu sự điều chỉnh của pháp luật trong nước lại vừa chịu sự điều chỉnh của các điều ước quốc tế. Theo Công ước Chicago và hướng dẫn của ICAO thì các quốc gia đều phải có “ tổ chức thanh tra độc lập trực thuộc nhà chức trách hàng không , thực hiện thanh tra về hàng không dân dụng’’ Do đó, việc quy định về tổ chức thanh tra hàng không độc lập trong Luật là phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và phù hợp với yêu cầu của ICAO.

     Thứ ba: Về thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng:

   Tôi đồng tình với quy định của Dự thảo Luật là giao Bộ Quốc phòng quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi thống nhất với Bộ Giao thông vận tải. Bởi lẽ, ở nước ta hiện nay các sân bay chuyên dùng chủ yếu gồm các sân bay ngắn, hẹp, đa phần là bay tầm thấp, bay ngoài đường hàng không dân dụng. Các sân bay này đã được Bộ Quốc phòng bố trí nằm trong hệ thống các sân bay quân sự. Bố trí tạm thời ở các khu vực nhạy cảm, thành phố trọng điểm về quốc phòng, an ninh, khu vực ven biển, hải đảo, biên giới v.v... nhằm đảm bảo cho hoạt động bay, phục vụ cho quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn, khai thác dầu khí v.v..Từ trước tới nay Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng quản lý và ra quyết định mở, thành lập, đình chỉ hủy bỏ hoạt động các loại sân bay chuyên dùng. Hơn nữa việc quản lý hoạt động sân bay tại sân bay này được Bộ Quốc phòng quản lý nghiêm ngặt, có sự phân công kết hợp với nhiều phương tiện tạo thành một hệ thống quản lý của vùng trời. Tuy nhiên, sân bay chuyên dùng cũng phải đáp ứng các yêu cầu , tiêu chuẩn quốc tế về khai thác hàng không dân dụng theo quy định của ICAO, do đó rất cần có sụ đồng ý và thống nhất với Bộ Giao thông vận tải.  

     Thứ tư: Về khắc phục tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến trong vận chuyển hàng không dân dụng (Điều 145 của Dự thảo Luật)

   Tôi đánh giá cao việc bổ sung quy định nghĩa vụ của người vận chuyển trong trường hợp chuyến bay bị chậm kéo dài trong Dự thảo Luật. Thực tế trong thời gian qua, tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến trong vận chuyển hàng không dân dụng diễn ra phổ biến, đặc biệt là các hãng hàng không giá rẻ, gây bức xúc trong nhân dân, tuy nhiên người chịu thiệt thòi vẫn là hành khách. Khi hành khách đã bỏ tiền ra để mua vé máy bay, tất nhiên người ta cũng muốn có một dịch vụ tốt nhất và phải bảo đảm quyền lợi cho xứng đáng. Trong thời gian gần đây tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến cũng đã có chuyển biến nhất định. Có được kết quả trên là thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo và sự cố gắng của toàn Ngành Giao thông vận tải. Để có cơ sở pháp lý ràng buộc, quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể giữa các hãng hàng không (người vận chuyển) và hành khách, Dự thảo Luật đã có quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp vận chuyển trong việc bảo đảm thực hiện các điều kiện vận chuyển, việc duy trì chất lượng tối thiểu của dịch vụ. Ngoài ra, cũng cần giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về thời gian chuyến bay bị chậm kéo dài và chất lượng dịch vụ tối thiểu cho hành khách tại cảng hàng không, sân bay để tình trạng các chuyến bay bị chậm, hủy ngày càng được khắc phục một cách tối đa nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho hành khách.

     Thứ Năm: Về cải cách thủ tục hành chính

   Trong thời gian qua, việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng vẫn còn nhiều phức tạp, rườm rà, gây khó khăn cho hành khách. Mặc dù, trong năm 2013, Bộ GTVT được xếp hạng thứ nhất về công tác cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên trong lĩnh vực hàng không dân dụng vẫn còn hạn chế. Việc bãi bỏ Khoản 3, Điều125 và Khoản 4, Điều 158 là việc thực hiện nghiêm túc công tác rà soát, kiểm soát thủ tục hành chính đem lại thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Tôi đề nghị ngành cần tiếp tục rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng tại các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tham gia vào các dịch vụ này.

                 Tôi xin hết ý kiến, xin trân trọng cảm ơn Quốc hội./.

linkhay Facebook

Tin bài liên quan

Hình ảnh hoạt động

Trung tâm vật liệu xây dựng

Liên kết website

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG XÂY DỰNG THƯƠNG MẠI HOÀNG SƠN © 2009 - 2022
Số giấy phép: 70/GP-STTTT, cấp ngày: (14/9/2022) - Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Duy Thanh
Trụ sở chính: Tổ 1, phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình, Việt Nam. Tel: 0218.2.211.951 - Fax: 0218.3.883.599
Văn phòng đại diện: Số 23, Ngõ 46, Quan Nhân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 043.555.3967 - Fax: 043.555.3967
Email: XayDungHoangSon@gmail.com - Website: www.HoangSonVietNam.vn