Bế mạc Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách

26/08/2015 09:04 - Người đăng: Nguyễn Thanh

Sau hơn hai ngày làm việc, sáng 26/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã bế mạc.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc Hội nghị 

Trong hai ngày rưỡi làm việc (từ 24-26/8), các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về 5 dự án Luật sẽ trình Quốc hội tại kỳ hợp thứ 10, gồm Bộ luật dân sự (sửa đổi), Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi) và Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).

Ở phiên làm việc cuối, góp ý kiến về Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội chuyên trách đánh giá cao các nội dung của dự thảo được tiếp thu, chỉnh lý. Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm cho ý kiến là về các biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt.

Các ý kiến đều cho rằng, việc quy định các biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt là cần thiết để tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ làm căn cứ khởi tố, điều tra đối với các vụ án phức tạp, có tổ chức, đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, cần quy định rõ biện pháp gì là biện pháp đặc biệt, trường hợp nào thì được áp dụng biện pháp đặc biệt, quyền cơ quan nào được áp dụng biện pháp này, quy định chi tiết chặt chẽ về trình tự, thủ tục khi áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt để đảm bảo khách quan, đảm bảo sự thật, tránh bị lạm dụng.

Đại biểu Trần Văn Độ phát biểu tại phiên họp.

  Đại biểu Trần Văn Độ-An Giang bày tỏ lo ngại, trong dự thảo Luật không hề quy định về thủ tục áp dụng các biện pháp điều tra đặt biệt như ghi âm, ghi hình, nghe điện thoại, thu thập dữ liệu điện tử… quy định như vậy có khả năng bị lạm dụng. Đại biểu phân tích, ngày nay với công nghệ hiện đại thì các đoạn ghi âm rất dễ tạo dựng, trong trường hợp này thì dùng cách gì để giám định sự chính xác. Do đó, đại biểu Trần Văn Độ đề nghị, để đảm bảo khách quan, đảm bảo sự thật, tránh bị lạm dụng cần quy định thủ tục cho việc sử dụng các biện pháp điều tra đặc biệt.

  Bày tỏ sự đồng tình với sự tiếp thu của Ban soạn thảo, nhưng đại biểu Đinh Xuân Thảo-Hà Nội cho rằng, đây là luật tố tụng, bởi vậy nên quy định áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt kể từ giai đoạn tố tụng trở đi, nói chính xác là từ khi bắt đầu giai đoạn khởi tố.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo phát biểu tại phiên họp

  Phát biểu ý kiến liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong dự thảo Bộ luật, mặc dù có đưa ra 3 biện pháp điều tra đặc biệt được sử dụng trong các trường hợp phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội tham nhũng, tội rửa tiền, tội khủng bố. Tuy nhiên, về các cơ quan có thẩm quyền sử dụng các biện pháp điều tra đặc biệt, Phó chủ tịch đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu và có quy định cụ thể hơn.

  Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các cơ quan hữu quan của Quốc hội và ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo được lấy ý kiến lần này; các đại biểu tiếp tục đóng góp các ý kiến nhằm nâng cao chất lượng các dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 tới. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, riêng Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự, chúng ta phải dày công nghiên cứu kỹ càng hơn.

Theo: Cổng TTĐTQH

linkhay Facebook

Tin bài liên quan

Hình ảnh hoạt động

Trung tâm vật liệu xây dựng

Liên kết website

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG XÂY DỰNG THƯƠNG MẠI HOÀNG SƠN © 2009 - 2022
Số giấy phép: 70/GP-STTTT, cấp ngày: (14/9/2022) - Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Duy Thanh
Trụ sở chính: Tổ 1, phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình, Việt Nam. Tel: 0218.2.211.951 - Fax: 0218.3.883.599
Văn phòng đại diện: Số 23, Ngõ 46, Quan Nhân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 043.555.3967 - Fax: 043.555.3967
Email: XayDungHoangSon@gmail.com - Website: www.HoangSonVietNam.vn