TS Ngô Đức Mạnh Trưởng Tiểu ban Thông tin, Tuyên truyền của IPU-132: Việt Nam thể hiện vai trò tích cực, có trách nhiệm đối với IPU

25/03/2015 03:59 - Người đăng: Nguyễn Thanh

Tính đến hôm nay 24-3, đã có 170 đoàn đại biểu của nghị viện các nước, các tổ chức thành viên liên kết, khách mời... với hơn 1.500 người, trong đó có khoảng 100 đoàn do 50 vị cấp Chủ tịch, 51 Phó Chủ tịch nghị viện dẫn đầu, tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, TS Ngô Đức Mạnh, Trưởng Tiểu ban Thông tin - Tuyên truyền của IPU-132 cho biết, trong số các đoàn khách nghị sĩ quốc tế, có rất nhiều đoàn đề nghị mong muốn được thăm song phương Việt Nam.

Trước đó, theo ông Trần Văn Hằng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức IPU- 132, đăng cai tổ chức IPU- 132 chính là cơ hội để Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng tiếp tục triển khai thực hiện chính sách đối ngoại “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Bên cạnh đó, không ngừng mở rộng, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với nghị viện và nhân dân các nước, các tổ chức quốc tế.

Tại cuộc họp báo quốc tế trước phiên khai mạc Đại hội đồng IPU-132, ông Trần Văn Hằng cho biết, Đại hội đồng lần này dự kiến sẽ ra Tuyên bố Hà Nội, một văn kiện chính trị - ngoại giao về các vấn đề lớn toàn cầu, có ý nghĩa quan trọng, phản ánh kết quả kỳ họp Đại hội đồng IPU lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh, Tuyên bố Hà Nội còn là thông điệp hòa bình, hữu nghị của Quốc hội và nhân dân Việt Nam gửi Quốc hội và nhân dân các nước trên thế giới, ghi dấu ấn sâu đậm về đất nước và con người Việt Nam - một điểm nhấn ấn tượng trong lịch sử của diễn đàn liên Nghị viện toàn cầu nói chung và hoạt động ngoại giao nghị viện của Quốc hội Việt Nam nói riêng.

Đây cũng chính là cơ hội để chúng ta thể hiện vai trò tích cực, có trách nhiệm đối với IPU; đồng thời cũng là dịp để đáp lại sự ủng hộ, tình cảm và sự quý trọng của bạn bè quốc tế đã dành cho Việt Nam. Bạn bè quốc tế có dịp chứng kiến một Việt Nam hòa bình, ổn định, năng động, đang tích cực hội nhập quốc tế.

Theo tài liệu của Ban Tổ chức, sau hòa bình, thống nhất đất nước, năm 1979, Quốc hội Việt Nam trở thành thành viên của IPU. Hơn 35 năm qua, Quốc hội nước ta đã chủ động tham gia và đóng góp tích cực tại các kỳ họp Đại hội đồng thường niên và nhiều hội nghị chuyên đề của IPU; đăng cai tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề của IPU như Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương về “Tăng cường vai trò của Nghị viện trong việc bảo vệ trẻ em” năm 2006; hội thảo khu vực châu Á - Thái Bình Dương về “Vai trò của Nghị viện trong phòng chống HIV/AIDS” năm 2009.

Đại hội đồng IPU-132 sẽ bàn thảo và ra Nghị quyết về các chủ đề: “Chiến tranh mạng - Mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới”; “Định hình cơ chế mới về quản trị nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước”; “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người” và sẽ thông qua báo cáo về sự hợp tác giữa IPU và Liên hợp quốc.

Quốc hội nước ta đã được bầu làm Chủ tịch Nhóm địa chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2006, trực tiếp điều phối các hoạt động chung của 27 Nghị viện thành viên IPU tại khu vực này. Năm 2007, Đại hội đồng IPU-117 đã nhất trí bầu đại diện của Quốc hội Việt Nam vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2007-2011 và bầu làm Phó Chủ tịch IPU năm 2009, qua đó, chúng ta có điều kiện đóng góp trực tiếp và thiết thực hơn vào hoạt động của IPU.

Ông Ngô Đức Mạnh cho biết: Là nước chủ nhà, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sẽ đảm đương cương vị Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132 và điều hành các phiên họp toàn thể của Đại hội đồng. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động chính thức, các hoạt động bên lề trong khuôn khổ kỳ họp và các hoạt động song phương khác.

Ngoài ra, còn có Hội nghị Nữ nghị sĩ IPU và Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU, đây là các diễn đàn quan trọng cho các nghị sĩ đóng góp ý kiến vào chương trình nghị sự chung của Đại hội đồng từ góc độ nữ giới và thanh niên.

Tại Đại hội đồng IPU-132, theo sáng kiến của Quốc hội Việt Nam, sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nghị Nữ Nghị sĩ và thảo luận các nội dung tổng kết 20 năm thực hiện Tuyên bố Bắc Kinh về quyền phụ nữ; các phiên thảo luận về vấn đề trẻ em nhân dịp kỷ niệm 25 năm Công ước về quyền trẻ em; về cách tiếp cận điều trị đối với HIV/AIDS.

Hội nghị Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện (ASGP) cũng sẽ được tổ chức với chủ đề “Tìm kiếm mô hình giúp việc nghị viện hoạt động hiệu quả” do Quốc hội Việt Nam đề xuất và trở thành chủ đề thảo luận tại ASGP-132 trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132.

 IPU có lịch sử hơn 125 năm trưởng thành, phát triển. Được thành lập năm 1889 từ phong trào hòa bình, chống chiến tranh do các nghị sỹ Uy-li-am Ran-đơ Crem-mơ người Anh và Phrê-đê-rích Pa-xi người Pháp khởi xướng. Là diễn đàn thường trực đầu tiên về đàm phán chính trị đa phương, đến nay, IPU đã trở thành tổ chức hợp tác liên nghị viện lớn nhất hành tinh với 166 Nghị viện quốc gia thành viên và 10 thành viên liên kết, là trung tâm đối thoại ngoại giao nghị viện toàn cầu.

(Nguồn: http://www.nhandan.com.vn)

linkhay Facebook

Tin bài liên quan

Hình ảnh hoạt động

Trung tâm vật liệu xây dựng

Liên kết website

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG XÂY DỰNG THƯƠNG MẠI HOÀNG SƠN © 2009 - 2022
Số giấy phép: 70/GP-STTTT, cấp ngày: (14/9/2022) - Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Duy Thanh
Trụ sở chính: Tổ 1, phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình, Việt Nam. Tel: 0218.2.211.951 - Fax: 0218.3.883.599
Văn phòng đại diện: Số 23, Ngõ 46, Quan Nhân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 043.555.3967 - Fax: 043.555.3967
Email: XayDungHoangSon@gmail.com - Website: www.HoangSonVietNam.vn